Thứ ba, 16/04/2024 | 03:48 Chào mừng đến với website trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang. Hiện tại website đang trong quá trình nâng cấp.
Triển khai, nhân rộng mô hình Bác sĩ Gia đình
[Thứ tư, 09-12-2015 ]
Tại các nước tiên tiến trên thế giới có nền y học hiện đại và phát triển, mô hình Bác sĩ Gia đình (BSGĐ) đã được thực hiện từ lâu, mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là quản lý được sức khoẻ cá nhân trong mối liên hệ với gia đình, tiết kiệm chi phí hợp lý trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho mọi người và BSGĐ có thể đến tận từng gia đình trong các trường hợp đặc biệt, theo yêu cầu.
     Ở nước ta, mô hình BSGĐ mới được triển khai trong những năm gần đây, bước đầu đã đem lại một số kết quả nhất định. Vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá đề án thí điểm và xây dựng đề án nhân rộng mô hình BSGĐ giai đoạn 2016- 2020.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mô hình BSGĐ và phòng khám BSGĐ được triển khai điểm ở 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hoà và Tiền Giang. 
Triển khai mô hình này giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đáp ứng nhu cầu CSSK ngày càng cao của người dân, góp phần giảm tải các phòng khám bệnh, giảm người bệnh nằm viện, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại, phí tổn cho người bệnh và gia đình.
     Bác sĩ Gia đình phải là người được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh chuyên ngành Y học gia đình, có nhiệm vụ quản lý sức khoẻ toàn diện, liên tục, lồng ghép, dự phòng, phối hợp với cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng theo các nguyên lý Tâm - Sinh - Xã hội học (Psycho- Bio - Social).
     Tại Tiền Giang , hiện nay quá tải bệnh viện đang là một trong những vấn đề xã hội bức xúc, đòi hỏi phải có giải pháp can thiệp hiệu quả. Quá tải bệnh viện dẫn đến giảm chất lượng phục vụ và chăm sóc sức khoẻ người dân.
     Có nhiều giải pháp khắc phục được đề ra, trong đó Đề án BSGĐ hứa hẹn nhiều khả năng giải quyết tối ưu các vấn đề chưa hợp lý hiện nay trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu. 
     Thực hiện kế hoach làm điểm Đề án BSGĐ của Bộ Y tế, Tiền Giang phối hợp Bộ môn Bác sĩ Gia đình - Đại học Y Dược TP. HCM đào tạo 263 Bác sĩ định hướng chuyên khoa Y học Gia đình và 
triển khai 3 mô hình khám chữa bệnh ban đầu bảo hiểm y tế theo hướng Y học gia đình tại 2 phòng khám đa khoa (phòng khám đa khoa Trung tâm y tế Gò Công Đông, Phòng khám đa khoa Dân An - Thành phố Mỹ Tho) và tại Trạm Y tế Phường 2 - TP. Mỹ Tho nhằm cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu bảo hiểm y tế, tư vấn và quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng theo hướng Y học gia đình.
Đề tài tiến hành từ 1/6/2014 đến nay.
Qua thời gian tiến hành, tuy mới hoạt động nhưng các phòng khám theo hướng BSGĐ này đã tổ chức hoạt động dựa trên các nguyên lý y học gia đình, thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc, bước đầu quản lý sức khoẻ toàn diện và liên tục cho cá nhân và gia đình. 
Tại 3 phòng khám BSGĐ trên, người dân được tư vấn chu đáo, theo dõi quản lý sức khoẻ, hướng dẫn tận tình hơn so với trước khi thực hiện mô hình.
       Bước đầu triển khai phòng khám theo hướng Y học gia đình trong 15 tháng, 3 phòng khám đã giải quyết cấp cứu 750 trường hợp; khám chữa bệnh 8.500 lượt; thực hiện 800 thủ thuật; xét nghiệm: 1.500 lượt; chuyển tuyến 110 trường hợp.
       Ngoài việc khám chữa bệnh tức thời, các BSGĐ còn có trách nhiệm hướng dẫn phát hiện bệnh sớm, cách phòng bệnh tái phát, theo dõi quản lý các bệnh mãn tính, chủ yếu là đối tượng người cao tuổi như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, xương khớp, tiêu hoá, hô hấp... 
       Trong thời gian này, 3 Phòng khám cũng đã khám chữa bệnh tại nhà: 95 ca; tư vấn: 400 cuộc; phục hồi chức năng: 85 ca; quản lý 200 hồ sơ sức khoẻ; khám sàng lọc được 800 lượt người; trong đó phát hiện được 250 ca bệnh tật; chuyển viện 25 ca.
       Đặc biệt, PKĐK Dân An (Phường 7/TP. Mỹ Tho) có nhiều dịch vụ CSSK mới, cải tiến phục vụ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế cả trong và ngoài giờ hành chánh; quản lý và tư vấn sức khoẻ cho học sinh và gia đình; quan tâm chăm sóc nạn nhân nhiễm chất độc da cam, người bệnh nghèo khuyết tật, bệnh lạ; tổ chức điều dưỡng chăm sóc thay người nhà tại nhà và tại bệnh viện; Bác sĩ khám chữa bệnh tại nhà cho người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt không thể đến Phòng khám được; vận động hỗ trợ người bệnh nghèo, khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo; nâng cao sức khoẻ... Đây là phòng khám đa khoa đầu tiên trong tỉnh hoạt động trên nguyên tắc không vì lợi nhuận. Nhân viên y tế, người dân hài lòng nhiều hơn và ủng hộ triển khai rộng mô hình chăm sóc sức khoẻ mới này.
    Giá dịch vụ BSGĐ được thực hiện theo tinh thần Thông tư 16/BYT/2014 của Bộ Y tế. 
Việc quản lý chuyên môn, tài chánh, quỹ khám chữa bệnh BHYT tại Phòng khám ngoài công lập được thực hiện tương tự các cơ sở y tế công lập. 
      Từ mục đích, ý nghĩa và yêu cầu tiếp theo, hiện Trường Cao đẳng Y tế phối hợp với Sở Y tế và Hội Y học Tiền Giang đang chuẩn bị liên kết đào tạo Y sĩ, Điều dưỡng Y học Gia đình để hỗ trợ các BSGĐ nhằm nhân rộng mô hình toàn tỉnh.
      Do là một loại hình chăm sóc y tế mới nên đa phần bệnh nhân và gia đình còn nhầm lẫn khi ốm đau gọi Bác sĩ ở phòng khám tư nhân đến nhà và xem đó là BSGĐ. Cần nói rõ, cách nhìn nhận này không đúng. Cần phân biệt rõ Bác sĩ của phòng khám tư nhân được mời đến nhà chỉ giải quyết tình trạng bệnh tật (có khi là cấp cứu) chỉ mang tính tức thời, còn BSGĐ với nhiệm vụ CSSK lâu dài, liên tục, có tính toàn diện, khoa học, chăm lo dự phòng, phục vụ cộng đồng, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
BSGĐ phải có chứng chỉ đào tạo hành nghề chuyên khoa về y học gia đình. BSGĐ găn bó lâu dài với hộ gia đình nên có tính thân thiện, nhanh chóng, gần gũi, chu đáo xem như người trong nhà; đây là các đức tính cần thiết của BSGĐ.
       Trên cơ sở đó, BSGĐ thực hiện nhiệm vụ điều trị, chăm sóc ngoại trú, phổ biến cách dự phòng. Nếu có điều kiện, BSGĐ sẽ gắn bó suốt đời với hộ gia đình.
       Do đáp ứng được các yêu cầu thực tế ngày càng cao về chăm sóc sức khoẻ và hạn chế các bất cập hiện nay trong việc CSSK ban đầu, dự báo mô hình BSGĐ sẽ phát triển cả chiều rộng và chiều sâu; chất lượng và phương pháp phục vụ ngày một phù hợp hơn với xu thế hội nhập chung của ngành y tế.
       Tóm lại, qua mô hình BSGĐ Tiền Giang, tuy còn mới nhưng mô hình này đã mang lại lợi ích rất thiết thực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu BHYT, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ toàn diện của cộng đồng, giúp người dân an tâm đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở, góp phần giảm tải bệnh viện.
unnamed.jpg

Tin ảnh: BS.TS.TTƯT: Nguyễn Hùng Vĩ
 
THÔNG BÁO TUYỂN SINH
LƯỢT TRUY CẬP
Đang xem: 89
Hôm nay: 1,648
Hôm qua: 3,097
Tổng lượt khách: 10,197,513