Thứ năm, 21/11/2024 | 01:26 Chào mừng đến với website trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang. Hiện tại website đang trong quá trình nâng cấp.
Tết trong cuộc sống
[Thứ ba, 03-12-2019 ]
Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của nước ta, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay chỉ đơn giản là Tết. Theo qui luật ba năm nhuận một tháng nên Tết Âm lịch không bao giờ trước ngày 21 tháng 01 và sau ngày 19 tháng 02 Dương lịch. Tết là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân.

Tết Cổ truyền là ngày đoàn viên của mọi gia đình

TẾT luôn là ngày đoàn tụ của mọi gia đình. Dù ai buôn bán, làm việc hay đi học ở xa, họ thường cố gắng để dành tiền và để dành cả “thời giờ” về ăn Tết với gia đình. Đó là nỗi mong mỏi của tất cả mọi người, người đi xa cũng như người ở nhà đều mong dịp Tết gặp mặt và quây quần cùng nhau. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn.

Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò, bè bạn cố tri… Tết cũng là ngày đoàn viên với cả những người đã mất. Từ bữa cơm ngày cuối năm các gia đình đã thắp hương mời ông bà tổ tiên về vui Tết cùng các con các cháu.

Tết Nguyên Đán là ngày “làm mới”

TẾT là dịp để mọi người có cơ hội ôn lại việc cũ và làm mới mọi việc. Việc làm mới có thể được bắt đầu về hình thức như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Sàn nhà được chùi rửa, chân nến và lư hương được đánh bóng, bàn ghế tủ giường được lau chùi sạch sẽ… Đây cũng là dịp mọi người làm mới về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được cảm thông hơn hay để tinh thần mình thoải mái, tươi vui hơn.

Với mỗi người, những buồn phiền, cãi vã được “dẹp sang một bên”. Tối thiểu ba ngày Tết, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối liên hệ được tốt đẹp. Người ta tin rằng, những ngày đầu năm vui vẻ sẽ báo hiệu một năm tốt đẹp. Tết cũng được xem là “sinh nhật” của tất cả mọi người vì ai ai cũng được thêm một tuổi mới.

Tết còn là ngày tạ ơn! Mọi người thường chọn ngày tết làm cơ hội để tạ ơn ân nghĩa mình đã được hưởng. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà tổ tiên, trò tạ ơn thầy… và tạ ơn những người đã cứu mình thoát hiểm hay đã giúp mình trong lúc hoạn nạn của cuộc đời.

Tết Nguyên Đán là một sinh hoạt văn hóa vừa lưu giữ những giá trị truyền thống vừa thích nghi với nhịp sống hiện đại. Trong ngày Tết vẫn còn nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn, phát huy để Tết Nguyên Đán mãi là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Tục Tảo mộ

Hàng năm, cứ vào khoảng ngày 24, 25 tháng chạp là nhiều gia đình đi tảo mộ. Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân. Thăm viếng phần mộ tổ tiên là một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Dù tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn là gia đình.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Cao nấm ấm mồ”. Vì vậy, sửa sang nấm mồ là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với các bậc tổ tiên. Người ta cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện xảy ra trong năm và cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị về ăn tết với gia đình.

Cúng tiễn ông Táo

Lễ cúng tiễn ông Táo ngày 23 tháng chạp được coi là ngày lễ bắt đầu cho Tết Nguyên Đán. Ông Táo trong tín ngưỡng dân gian được xem là vị Thần linh cai quản việc bếp núc và định đoạt phúc đức trong mỗi nhà. Tương truyền, mỗi năm cứ đến ngày này Ông cưỡi cá chép lên Thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt, xấu của từng người trong gia đình. Đến trưa ngày cuối năm thì ông Táo có mặt ở hạ giới để tiếp tục công việc. Ngày 23 tháng chạp còn được gọi là ngày Tết ông Táo. Người ta tin rằng ông Táo sẽ “phù trợ” cho gia đình nhiều điều may mắn trong năm mới.

Chưng mâm ngũ quả

Trong ngày tết không thể thiếu mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên. Năm loại quả này phải đại diện cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Thông thường người ta chọn yếu tố màu sắc đặc trưng của ngũ hành: màu trắng là màu của Kim, màu xanh lá cây là màu của Mộc, màu xanh lam hay đen là màu của Thủy, màu đỏ là màu của Hỏa, màu vàng là màu của Thổ.

Ngoài ra, tên của loại trái cây cũng mang một ý nghĩa rất quan trọng, gắn liền với sự sung túc, sức khỏe và may mắn như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (với ngụ ý “cầu vừa đủ xài” sung túc)… Đó là một khát vọng, ước mơ thật khiêm tốn là chỉ cầu xin có vừa đủ để chi tiêu nhưng lại kết bằng một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Người ta còn kiêng kỵ chưng quả có tên mang ý nghĩa xấu (kể cả khi đọc trại) như: chuối - chúi nhủi, cam - cam chịu, lựu - lựu đạn, sầu riêng… và không chọn trái có vị đắng, cay. Mâm ngũ quả dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu và ước mong những điều tốt lành trong gia sự.

Cúng giao thừa

Giao thừa là thời điểm chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới. Đó là thời khắc quan trọng để ta nhìn lại mình khi kết thúc một quãng thời gian và bắt đầu một giai đoạn mới. “Tống cựu nghêng tân”, tiễn cũ đón mới chúng ta trút bỏ những mệt mỏi, rủi ro lo phiền của năm cũ, bắt đầu một năm mới với sự hăng say và tin tưởng. Thật là ý nghĩa khi phút giao thừa bạn tự dành cho mình ít phút lắng đọng, tự nhìn mình. Hãy mở lòng đón nhận khí thiêng của đất trời trong phút giây giao hội giữa hai năm. Bạn sẽ cảm nhận được sức sống mãnh liệt nơi mình khi hòa nhập cái riêng với cái chung nhân loại. Lẽ trời đất có khởi thủy phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc lúc giao thừa.

Cúng giao thừa là một nét đẹp truyền thống của dân tộc ta, bao gồm cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà, là một nghi lễ thành kính và trang trọng. Khi đồng hồ gõ đủ 12 tiếng là lúc mọi nhà cùng thắp hương khấn vái đất trời và tổ tiên. Đó là những lời cám ơn trời đất đã ban cho cả nhà những may mắn, ấm no trong năm đã qua, cám ơn những người khuất mặt đã phù hộ con cháu bình yên và là những lời cầu xin cho một năm mới được bình an hơn, tốt đẹp hơn.

Chúc tụng ngày năm mới

Mồng một tết - là ngày Tân niên đầu tiên, thường dành riêng cho gia đình, người lớn và trẻ con đều mặc quần áo đẹp quây quần bên nhau. Con cháu cung kính mừng tuổi và chúc tết ông bà, cha mẹ. Sau đó, ông bà cha mẹ và người lớn lì xì cho trẻ con. Lì xì là tặng một chút tiền, thường là tiền giấy mới tinh, gọi là chút quà đem lại may mắn và kèm lời chúc khuyến khích trẻ con cố gắng học, sống hòa thuận với những người xung quanh. Ngày này, người khách đầu tiên bước vào nhà gọi là “xông đất”, được ví như là người mang đến vận hên xui cho gia chủ năm đó. Thế nên có nhiều gia đình rất cẩn thận, họ sắp đặt để chọn người khỏe mạnh, tươi tắn, hợp tuổi với chủ nhà để mang nhiều may mắn đến nhà mình. Người được chọn “xông đất” thường là hàng xóm láng giềng, lớn tuổi, có đạo đức, thành công, tính tình vui vẻ, nhanh nhẹn, có uy tính trong cộng đồng.

Mồng hai tết - là ngày thứ nhì trong năm mới, thường dành để thăm viếng và chúc tết gia đình bên vợ, gia đình những người bạn thân.

Mồng ba tết - là ngày thứ ba trong năm mới. Mối liên hệ xã giao mở rộng ra ngoài phạm vi gia đình. Ngày này thường dành chúc tết thầy cô giáo, hàng xóm, bạn bè… Đây là ngày cúng tiễn đưa tổ tiên (còn gọi là lễ hóa vàng) về lại thiên đường. Trong lễ này, các gia đình cố gắng sắm sửa một mâm cơm đủ các món truyền thống như gà luộc, bánh tét, thịt kho… để thắp hương cúng tiễn gia tiên, cầu xin tổ tiên phù hộ cho một năm mới an lành, nhiều may mắn.

Có thể nói, Tết Cổ truyền là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta, nó làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Việt. Tết! Tết! Tết! Tết đến rồi! Tết lan rộng từ phạm vi gia đình, đến họ hàng, làng xóm… đâu đâu cũng có hội mừng Xuân. Tất cả mọi người vui đùa với nhau, họ sống trong sự hòa thuận và đoàn kết. Không khí vui tươi, nhộn nhịp làm lòng người thêm yêu cuộc sống./.
Thầy Trần Bá Đỉnh
 
THÔNG BÁO TUYỂN SINH
LƯỢT TRUY CẬP
Đang xem: 69
Hôm nay: 1,097
Hôm qua: 4,264
Tổng lượt khách: 10,725,994